Tàu điện và các kiến thức về tàu điện

Tổng quan về hệ thống tàu điện ở Nhật

Tàu điện có thể được xem là một trong những nét đặc trưng của Nhật Bản. Cùng với mật độ dân số khá cao, việc di chuyển bằng tàu điện là giải pháp giúp khắc phục tình trạng ùn tắc, kẹt xe trong nhiều giờ. Bên cạnh đó, phương tiện di chuyển này cũng rất tiện lợi và có giá thành rẻ. Chính vì thế, hầu hết người Nhật đều sử dụng tàu điện cho việc di chuyển giữa các nơi.

Các loại tàu điện Nhật Bản phổ biến nhất

Tùy thuộc vào tốc độ di chuyển nhanh chậm mà tàu điện Nhật Bản cũng có nhiều loại khác nhau. Để giúp bạn có thêm kinh nghiệm đi tàu ở Nhật, phần này sẽ giới thiệu tổng quát về các loại tàu điện Nhật Bản phổ biến nhất hiện nay.

5 loại tàu điện phổ biến ở Nhật
Có 5 loại tàu điện phổ biến ở Nhật Bản
  • Local (kakueki-teisha hay futsu-densha): là loại tàu thường, dừng ở tất cả các ga.
  • Rapid (kaisoku): là loại tàu nhanh, bỏ qua một vài điểm dừng cụ thể. So sánh về giá thì cả kaisoku và kakueki-teisha không có quá nhiều sự chênh lệch.
  • Express (kyuko): là loại tàu tốc hành, có ít điểm dừng hơn so với tàu nhanh. Xét về giá, tàu tốc hành sẽ có giá cao hơn tàu nhanh dù di chuyển cùng 1 tuyến.
  • Limited Express (tokkyu): là loại tàu tốc hành đặc biệt, phục vụ các tuyến dài và chỉ dừng ở những ga chính. Giá vé khá cao, thường rơi vào khoảng 500 – 4000 yên/1 người/1 lượt.
  • Super Express (shinkansen): là loại tàu điện chạy trên những tuyến và làn riêng. Bên cạnh giá vé bạn còn cần trả thêm phí đặc biệt cho hãng tàu, giá thường dao động từ 800 – 8000 yên/1 người/1 lượt.

Những hạng ghế trên tàu điện

Hệ thống tàu điện ở Nhật không chỉ phức tạp về loại mà còn có nhiều hạng ghế khác nhau. Thông thường, có 2 hạng ghế chính là ghế đặt trước và ghế không đặt trước.

  • Ghế không đặt trước: Hạng ghế này được sử dụng ở các loại tàu điện như tàu thường, kyuko và tokkyu chỉ có 1 hạng ghế. Như vậy, bạn sẽ không thể đặt vé khi đi những loại tàu này. Nếu hết chỗ, bạn có thể sẽ phải đứng, thậm chí khi đi cả 2 – 3 giờ đồng hồ liền.
  • Ghế đặt trước: được sử dụng ở các loại tàu đường dài như shinkansen và một số tàu tokkyu. Đối với hạng ghế này, bạn phải tốn thêm ít chi phí, tuy nhiên có thể đảm bảo được giữ ghế và chọn vị trí ngồi phù hợp.

Ngoài ra, trên các tuyến tàu đường dài còn cung cấp cho khách hàng 2 hạng ghế theo toa, bao gồm: ghế thường (ordinary) và ghế xanh hạng nhất (green). Toa dành cho hạng green thường ít khách hơn và được phục vụ chu đáo, tận tình. Do vậy mà giá vé tàu điện ở Nhật cho hạng ghế xanh thường đắt hơn từ 30 – 50% so với ghế thường.

Hướng dẫn chi tiết đi tàu ở Nhật và cách mua vé tàu

Nếu bạn đang có ý định du lịch Nhật Bản nhưng chưa biết cách đi tàu điện ở Nhật, hãy cùng xem qua hướng dẫn dưới đây. Phần này tổng hợp đến bạn cách mua vé tàu ở Nhật cũng như hướng dẫn cách đi tàu điện ở Nhật chi tiết từ A – Z.

Mua vé

Tùy thuộc vào nhu cầu di chuyển giữa các địa điểm ở Nhật mà bạn có thể chọn cách mua vé tàu điện khác nhau. Thông thường với các tuyến đường ngắn, bạn nên chọn cách mua vé tàu ở các máy bán vé tự động. Ngược lại, dành cho chuyến đi dài hơn, bạn nên mua vé trực tiếp tại các quầy ở ga tàu.

Mua vé tại quầy bán vé tự động (vending machine)

Cách mua vé tàu ở Nhật tại các máy bán vé tự động như sau:

  • Bước 1: Tìm hiểu thông tin về ga đi, ga đến và giá vé tương ứng qua bản đồ phía trên khu vực máy.
  • Bước 2: Chọn ngôn ngữ “English” hoặc các ngôn ngữ khác (tiếng Trung, tiếng Hàn,…) nếu bạn không biết tiếng Nhật.
  • Bước 3: Trên màn hình máy bán vé tự động, chọn ga muốn đến và giá vé tương ứng.
  • Bước 4: Chọn số lượng vé muốn mua (màn hình mặc định là 1, do vậy nếu đi một mình thì bạn có thể bỏ qua bước này).
  • Bước 5: Sau khi đã chọn được vé tàu phù hợp, đưa tiền vào máy bán vé tự động để tiến hành thanh toán. Lưu ý: Máy bán vé tự động nhận cả tiền giấy và tiền xu.
  • Bước 6: Lấy vé tàu và nhận lại tiền thừa (nếu có).
Mua vé tàu ở Nhật tại quầy bán vé tự động
Cách mua vé tàu ở Nhật tại quầy bán vé tự động

Mua vé trực tiếp tại ga tàu

Với những tuyến đường dài hơn, bạn nên mua vé trực tiếp tại các ga tàu. Theo đó, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết như: mã hành khách, ngày đi, ga khởi hành, ga đến, hạng ghế (hạng thường hay hạng xanh, ghế đã đặt trước hay chưa). Ngoài ra, nếu muốn giữ ghế thì bạn cần cung cấp thêm thông tin như: tên tàu, mã số tàu, giờ khởi hành,…

Nếu bạn không nói được tiếng Nhật, bạn có thể ghi các thông tin ra một mẩu giấy nhỏ và đưa cho nhân viên tại quầy để được hỗ trợ tốt nhất.

Đi qua cửa soát vé

Cách đi qua cửa soát vé bằng vé tàu

Sau khi mua được vé tàu, bạn đã có thể tiến ngay vào cổng soát vé để vào được khu vực ga đợi tàu. Tại cổng soát vé tự động, bạn chỉ cần đưa vé vào trong khe, bước qua cửa và nhận lại vé ở đầu bên kia. Trường hợp vé đã sử dụng hoặc quá hạn thì cửa soát vé sẽ không mở, đồng thời còi báo động sẽ kêu lên.

Cho vé qua cửa soát vé để đi tàu ở Nhật
Cách đi qua cửa soát vé bằng vé tàu

Cách đi qua cửa soát vé bằng thẻ IC

Thẻ IC là loại thẻ từ chuyên được sử dụng để thanh toán chi phí tàu điện, xe bus và thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi như Circle K, Seven Eleven,… Nếu dùng thẻ IC để đi tàu ở Nhật, bạn không cần phải tiến hành các bước mua vé như trên. Thay vào đó, chỉ cần đặt thẻ IC vào vị trí đọc thẻ tại cổng soát vé. Bộ phận cảm biến sẽ xác nhận thông qua tiếng “bíp” và mở cửa cho bạn đi qua. Khi tới ga đến, bạn chỉ cần thực hiện tương tự để ra khỏi ga. Trường hợp số dư trong thẻ không đủ để chi trả vé tàu, cửa soát vé sẽ không mở đồng thời âm thanh báo lỗi sẽ phát ra.

Dùng thẻ IC qua cửa soát vé để đi tàu ở Nhật
Cách đi qua cửa soát vé bằng thẻ IC

Các hình thức thanh toán khi mua vé tàu điện ở Nhật

Khi mua vé đi tàu ở Nhật, bạn có thể chọn nhiều phương thức thanh toán khác nhau. Trong đó phổ biến các cách thanh toán dưới đây:

Thanh toán bằng các loại thẻ đa năng IC (Suica, Pasmo, Icoca…) 

Thẻ IC là loại thẻ cực kỳ cần thiết và tiện dụng cho chuyến du lịch Nhật Bản. Đây là loại thẻ từ chuyên được dùng để thanh toán phí đi tàu điện, xe buýt. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng chúng để thanh toán hóa đơn tại các cửa hàng tiện lợi như: Circle K, Family Mart, 7 Eleven,… Tuy nhiên, vẫn có một vài lưu ý khi thanh toán bằng thẻ IC như sau:

  • Các loại thẻ IC có sự phân vùng nhất định chứ không được sử dụng trên toàn đất nước Nhật Bản.
  • Giá mua thẻ IC thường là 2000 yên, trong đó 500 yên là phí mua thẻ và 1500 yên sẽ được nạp vào tài khoản.
Thanh toán chi phí đi tàu ở Nhật với thẻ IC
Thanh toán chi phí đi tàu ở Nhật với thẻ IC

Để mua thẻ IC, bạn có thể đăng ký trực tiếp tại các quầy vé ở sân bay hoặc mua tại các máy bán thẻ tự động. Thẻ IC đi tàu ở Nhật cũng được phân loại khác nhau theo vùng. Ở khu vực Tokyo và các tỉnh Kanto sẽ sử dụng loại Suica hay Pasmo. Còn ở Osaka và các tỉnh Kansai sẽ sử dụng thẻ ICOCA.

Thanh toán bằng các loại Thẻ 24h, 48h và 36h

Đây là loại thẻ dành riêng cho nhu cầu di chuyển bằng tàu điện ngầm. Đặc điểm của các loại này là:

  • Chỉ áp dụng cho du khách nước ngoài, yêu cầu cần có passport để mua thẻ.
  • Có loại thẻ chỉ dành riêng cho tàu điện hoặc có thể kết hợp thêm cả xe bus.
  • Không giới hạn số lần di chuyển trong phạm vi quy định.
  • Một số thẻ còn có khuyến mãi, giảm giá vé tham quan.
  • Không áp dụng cho tàu shinkansen và các loại tàu của hãng JR rail pass.

Vậy ai là đối tượng phù hợp để sử dụng các loại thẻ 24h, 48h và 36h? Nếu bạn có lịch trình dài ngày để khám phá nhiều tỉnh thành Nhật Bản, chắc chắn bạn sẽ cần dùng đến loại thẻ này. Điều lưu ý quan trọng đó chính là bạn cần xem xét thẻ có bao gồm các địa điểm tham quan mà mình dự tính trong lịch trình hay không.

Thanh toán bằng JR Pass

JR PASS là loại vé tàu điện Nhật Bản chỉ được phát hành cho du khách nước ngoài đến đây để du lịch trong thời gian ngắn. Do vậy chi phí sẽ khá rẻ so với cách mua vé tàu ở Nhật thông thường. Để thanh toán vé đi tàu ở Nhật – JR Pass, bạn cần lưu ý một vài điều sau đây:

  • Bạn chỉ có lịch trình tại Nhật trong khoảng thời gian ngắn và phải được chứng minh bằng visa lưu trú tạm thời.
  • Mua vé JR Pass trước khi đến Nhật hoặc có thể mua phiếu đổi vé tại các đại lý chính thức của JR ở nước ngoài. Khi đã đến Nhật, bạn sẽ cầm Phiếu đổi vé cùng hộ chiếu đến các quầy vé của JR để đổi sang vé JR Pass.
Vé đi tàu ở Nhật JR Pass
JR Pass là loại vé tàu điện Nhật Bản được phát hành cho du khách nước ngoài du lịch ngắn hạn

Khi đã có vé JR Pass, bạn có thể di chuyển không giới hạn trên các tuyến tàu của JR. Tuy nhiên, giá vé thường khá cao nên sẽ phù hợp với các chuyến đi dài, di chuyển bằng shinkansen.

Những lưu ý về cách ứng xử trên tàu điện Nhật Bản

Người Nhật nổi tiếng với nhiều quy tắc và văn hóa ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. Và “lịch sự” là từ được dùng nhiều nhất để mô tả về con người nơi đây. Chính vì thế, ngay cả việc tham gia giao thông cũng có khá nhiều quy tắc nhất định. Cùng điểm qua những lưu ý quan trọng về cách ứng xử khi đi tàu ở Nhật Bản dưới đây:

Không ăn uống trên tàu

Nhìn chung, hầu hết các công ty vận hành tàu điện đều có quy định chung về việc cấm ăn uống trên tàu. Điều này là để đảm bảo giữ gìn vệ sinh chung cũng như tránh gây mùi khó chịu, ảnh hưởng người xung quanh. Tuy nhiên, hành khách vẫn được phép ăn kẹo, nhai kẹo cao su hoặc uống nước lọc để tránh say xe.

Hút thuốc đúng nơi quy định

Các hãng tàu đều có quy định, hành khách không được phép hút thuốc trong nhà ga hoặc trên tàu dù là vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, một số nhà ga cũng có khu vực dành riêng cho người hút thuốc. Nếu bạn có nhu cầu, hãy tìm đến những khu vực này để tránh ảnh hưởng đến người xung quanh.

Quy định cấm hút thuốc trong nhà ga và trên tàu điện
Quy định cấm hút thuốc trong nhà ga và trên tàu điện Nhật Bản

Xếp hàng chờ tàu, không chen lấn

Nhật Bản là quốc gia cực kỳ văn minh và lịch sự. Chính vì thế, văn hóa xếp hàng cũng được người Nhật thực hiện vô cùng nghiêm túc. Khi chờ tàu, bạn hãy tìm đến các vạch chỉ dẫn vị trí lên tàu và đứng xếp hàng ngay ngắn sau các vạch kẻ này. Lưu ý, không chen lấn hay xô đẩy trong lúc chờ tàu để không làm ảnh hưởng đến những hành khách khác.

Ưu tiên khách xuống tàu

Khi tàu đến ga, bạn cần lưu ý chờ đến khi tất cả hành khách khác đã xuống tàu xong thì mới bước lên tàu. Quy tắc ở đây đó chính là đứng dạt sang một bên cửa lên tàu thay vì đứng ở chính giữa cửa tàu, làm cản trở việc di chuyển của các hành khách khác.

Nhường ghế ngồi cho đối tượng được ưu tiên

Khi đi tàu ở Nhật, bạn sẽ thấy mỗi toa đều có khu vực ghế dành riêng cho đối tượng được ưu tiên. Do vậy, hãy nhường ghế ở khu vực này cho những đối tượng hành khách bao gồm: người khuyết tật, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em,… Ngay cả khi không phải là ghế ưu tiên nhưng trong trường hợp gặp người thuộc diện ưu tiên, bạn cũng nên nhường chỗ cho họ.

Khu vực ghế ngồi dành cho người được ưu tiên
Khu vực ghế ngồi dành cho người được ưu tiên

Chú ý những toa tàu chỉ dành cho phụ nữ

Tùy vào từng hãng vận hành tàu điện mà sẽ có những toa tàu chỉ dành riêng cho phụ nữ vào thời điểm nhất định trong ngày. Thông thường, những toa tàu này chỉ cho phép đối tượng hành khách là phụ nữ lên tàu vào các giờ cao điểm như: đi làm, đi học,… các ngày trong tuần. Tuy nhiên, trẻ em nam dưới độ tuổi tiểu học cùng người giám hộ vấn có thể lên toa tàu này vào thời gian cao điểm.

Không làm ồn trên tàu

Tàu điện Nhật Bản là phương tiện công cộng được rất nhiều người sử dụng. Do vậy, để tránh làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, bạn hãy đặt điện thoại ở chế độ im lặng. Ngoài ra, cũng cần tránh nghe điện thoại hoặc nói quá to trên tàu.

Luôn đi phía bên trái đường trong nhà ga

Khi di chuyển trong ga tàu, nguyên tắc cần lưu ý đó chính là di chuyển về phía bên trái, đi theo dòng người. Điều này là để đảm bảo tránh xảy ra những va chạm bất ngờ khi có nhiều người qua lại trong nhà ga.

Nguồn : VJ LINKS

    ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN


    ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN CỦA BẠN!

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *